Cần soi chiếu các Chương trình mục tiêu quốc gia dưới góc độ văn hóa

VHO- Phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường chiều 30.10 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL không phải là cơ quan chủ trì ba Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên rất cảm kích khi được lắng nghe nhiều ý kiến của đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề trong lĩnh vực văn hóa, liên quan đến triển khai, thực hiện ba Chương trình quan trọng này.

Cần soi chiếu các Chương trình mục tiêu quốc gia dưới góc độ văn hóa - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội trường Ảnh: TRẦN HUẤN

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn mong muốn thực hiện được ba Chương trình mục tiêu quốc gia đúng với tinh thần chỉ đạo và thông qua công tác giám sát để phát hiện các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn và quan trọng nhất là xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ.
“Nếu nhìn ở góc độ này thì không chỉ ở Việt Nam mà ở những quốc gia khác cũng có những chương trình và phần việc tương tự, họ gọi đó là “Chương trình hạnh phúc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và đặt vấn đề: Nếu không có các chương trình về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững thì làm sao chúng ta tiếp cận và hoàn thành được Mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên Hợp Quốc? Làm sao chúng ta có được những miền quê đáng sống và để rồi mọi người dân đi xa cũng muốn về? Làm sao chúng ta thấy được đời sống của nhân dân đang cải thiện?”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nếu tiếp cận ở góc độ văn hóa, chúng ta nhìn thấy tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn làm nhiều người cảm thấy hồn quê của người Việt bắt đầu bị đánh mất, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh của lũy tre xanh, của làng tôi đã không còn nữa, thay vào đó là bê tông hóa.
Theo phân cấp quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó. Vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết, và bây giờ các “đường hoa” đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông hóa, bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt. “Ở góc độ khác, chúng ta đang tiếp cận để xây dựng thiết chế văn hóa, có đại biểu băn khoăn, tại sao phải xây dựng thiết chế?”, Bộ trưởng nói và cho biết, theo quy định hiện hành, chúng ta phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thôn. Ở cấp tỉnh phải đảm bảo ba thiết chế văn hóa là trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và thể thao nhưng rõ ràng đến giờ này, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố thì mới chỉ 80% các tỉnh có được các thiết chế cơ bản này, cấp huyện chỉ được 70%, cấp xã chỉ được 60 – 70%, còn cấp thôn bản chỉ đạt 30-40%. “Do đó, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp”, Bộ trưởng khẳng định. Về thiết chế văn hóa thôn bản, Bộ trưởng cho rằng, đây là thiết chế văn hóa đa chức năng. Trên thực tế đã có rất nhiều cách làm sáng tạo, đó là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, và cũng có thể là phòng truyền thống của thôn bản. “Như Yên Bái đã khai thác rất tốt khi sử dụng nhà văn hóa thôn bản làm nơi tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Ủng hộ việc nên tiếp tục đầu tư cho nông thôn, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề là chúng ta chọn địa điểm ở đâu, làm như thế nào để hoạt động có hiệu quả. Về việc này, Bộ VHTTDL đã có hướng dẫn cụ thể, còn vận hành như thế nào thì phải ở địa phương và đơn vị. “Tại sao Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh thu hút khách rất tốt nhưng bảo tàng ở các địa phương khác lại không làm được? Phải chăng là cách lựa chọn địa điểm, không gian trưng bày?”, Bộ trưởng nêu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 06 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thực hiện dự án này, thời gian qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc.

 Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp. 

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) 


“Chúng ta đã có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với 22 đại diện cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách từ trong và ngoài nước. Ngoài ra các địa bàn khác, với tư cách là chủ thể, cộng đồng các dân tộc cũng đang có nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo và hiệu quả”, Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết thêm, trước hết phải dựa trên tiêu chí là ngôn ngữ, chữ viết. Về việc này Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL thời gian qua đã rất nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao. Về trang phục, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, Bộ VHTTDL cũng đã hướng đến việc hình thành các câu lạc bộ để bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thông qua loại hình này. Còn về vấn đề kiến trúc, chúng ta đã tập trung bảo tồn nhà ở của đồng bào các dân tộc với mục tiêu phải làm sao để giữ được nhà sàn, nhà rông… chứ không phải bê tông hóa tất cả khi xây dựng các Chương trình mục tiêu.
Cũng theo Bộ trưởng, ở cấp quốc gia, chúng ta cũng đang tập trung bảo tồn, duy trì các lễ hội, kỳ liên hoan dân ca, dân vũ thông qua việc tổ chức định kỳ tại nhiều địa phương. Các lễ hội, kỳ liên hoan chúng ta đã tổ chức thường xuyên, qua đó góp phần quảng bá, bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu, Tây Nguyên…
Liên quan vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà một số đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đặt vấn đề đó là đúng. Nghị quyết của Đảng đã đề cập vấn đề này. Theo Bộ trưởng, đạo đức xã hội là hình thái ý thức xã hội, nó tập hợp các bộ quy tắc để giúp con người định hướng đến giá trị tốt đẹp nhất đó là trung thực, lòng nhân ái, công bằng, tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã có cơ sở chính trị trong vấn đề này như: Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đã đầy đủ khi Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về văn hóa. Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa ý thức, văn hóa con người hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội cùng lan tỏa thông điệp sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, gắn bó giữa gia đình, nhà trường và xã hội. “Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo, và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cần tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả để phát triển văn hóa theo chiều sâu, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân. 

 Theo phân cấp quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó. Vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết, và bây giờ các “đường hoa” đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông hóa, bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc